Xã Hội

Bộ Công an đề xuất phạt tù đến 10 năm với người bán hàng giả qua mạng

Tóm tắt:
  • Bộ Công an đề xuất xử lý hình sự đối với bán hàng giả trên thương mại điện tử, với án tù lên tới 10 năm.
  • Dự thảo luật sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10/2025 theo trình tự rút gọn.
  • Mức phạt tiền cho hành vi buôn bán hàng giả thực phẩm tăng lên từ 40 – 200 triệu đồng.
  • Pháp nhân thương mại có thể bị phạt tới 36 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
  • Hình phạt cho vi phạm an toàn thực phẩm được tăng nặng, với án tù từ 3 đến 20 năm.

Theo hồ sơ thẩm định vừa được Bộ Tư pháp công bố, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét và thông qua theo trình tự rút gọn tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Tại Điều 193 của dự thảo, Bộ Công an đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, đặc biệt khi hoạt động này diễn ra trên các sàn thương mại điện tử. Cụ thể, mức phạt tiền được nâng từ 20 –100 triệu đồng lên 40 – 200 triệu đồng.

Đối với cá nhân vi phạm, ngoài án phạt tù, còn có thể bị cấm hành nghề từ 1–5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Với pháp nhân thương mại, mức phạt có thể lên tới 36 tỷ đồng – gấp đôi so với quy định hiện hành. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như đe dọa tính mạng nhiều người, ảnh hưởng môi trường, an ninh trật tự... pháp nhân có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Đáng chú ý, hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm trên nền tảng thương mại điện tử với quy mô tiếp cận từ 500 người trở lên sẽ đối mặt mức án từ 5 –10 năm tù.

Ngoài ra, tại Điều 317 dự thảo, Bộ Công an cũng đề xuất tăng nặng hình phạt đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Những hành vi như sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm bị cấm, hoặc sử dụng động vật chết, nhiễm bệnh để chế biến thực phẩm... sẽ bị xử lý nghiêm.

Theo đề xuất mới, người vi phạm có thể bị phạt từ 300 triệu đồng đến 3 tỷ đồng và chịu mức án tù tối thiểu từ 3 năm (so với mức 1 năm hiện hành). Khung hình phạt nhẹ nhất tăng từ 1–5 năm lên 3–7 năm, khung cao nhất từ 12–20 năm lên 15–20 năm.

Đáng lưu ý, so với luật hiện hành, dự thảo bỏ cụm từ "mà biết" trong mô tả hành vi phạm tội, đồng nghĩa với việc không cần chứng minh người vi phạm có nhận thức về tính nguy hiểm của chất cấm khi sử dụng trong thực phẩm.

Các tin khác

Quảng cáo sai sự thật có thể bị xử lý hình sự: Yếu tố ‘người nổi tiếng’ là tình tiết tăng

Vụ án kẹo Kera gây chấn động dư luận khi Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs bị khởi tố, còn Hoa hậu Thùy Tiên bị tạm hoãn xuất cảnh để điều tra. Qua vụ án này cũng là lời cảnh tỉnh về trách nhiệm pháp lý và đạo đức của người nổi tiếng, KOLS khi tham gia quảng cáo trong thời đại truyền thông số.

Đại học không phải con đường duy nhất đến thành công

Trong khi nhiều sĩ tử vẫn đang băn khoăn lựa chọn giữa các trường đại học top đầu, thì không ít bạn trẻ đã tìm thấy con đường riêng cho mình – một lối đi "gọn nhẹ" nhưng đầy triển vọng đó là học tại các trường cao đẳng.

Món ăn người Việt từ lâu lãng quên, luôn tránh né vì sợ bệnh: Thế giới xếp vào top 10 thực phẩm tốt nhất

Bảng xếp hạng 100 loại thực phẩm lành mạnh nhất thế giới, bất ngờ khi món quen bị lãng quên, nhiều người tránh ăn vì sợ béo, bệnh lại được vinh danh ở vị trí thứ 8. Bất ngờ hơn cả khi nó vượt mặt cả bông cải xanh, loại thực phẩm đang được xếp ở vị trí 94 theo BBC Anh công bố.